Friday, March 28, 2008
Thanh Lap Hai Quan QLVNCH
THÀNH LẬP HẢI QUÂN VIỆT NAM CỘNG HÒA
Nguyễn Văn Ơn
Những nhà nghiên-cứu hải-sử có mặt tại khúc-quanh lịch-sử Việt-Nam, ngày 30 tháng 4 năm 1975, đều thừa nhận mặc dù đột-ngột tan hàng, song Hải-quân VNCH đã đóng được trọn-vẹn vai-trò giao-phó trong một cuộc chiến nghiệt-ngã huynh đệ tương tàn. Suốt quá trình 23 năm bảo vệ nước, căn-cứ vào những mốc thời gian quan-trọng thì thành-quả đạt được của quân-chủng có trhể chia làm 3 giai-đoạn; đặc-biệt chú-trọng đến sự lớn mạnh của Giang-lực và Duyên-lực:
· Giai-đoạn khó-khăn hình-thành.
· Giai-đoạn chậm-chạp phát-triển.
· Giai-đoạn nhanh-chóng bành-trướng.
1- GIAI-ÐOẠN KHÓ-KHĂN HÌNH-THÀNH (1952-1957)
Ngày lịch-sử đau buồn mùng 1 tháng 9 năm 1858 cũng là ngày đánh dấu khởi-điểm suy-tàn của triều-đại Nhà Nguyễn, khi Ðề-đốc (Hải-quân Thiếu-tướng) Charles Rigault de genouilly (6) chỉ-huy 2500 lính viễn-chinh Pháp và 1000 lính thuộc-địa Tây-Ban-Nha với 14 chiến-hạm vào cửa Ðà-Nẳng bắn chìm các chiến-thuyền Việt-Nam, chiếm các pháo-đài bán-đảo Sơn-Trà rồi giao cho Hải-quân Ðại–tá Toyon trấn giữ. Ðến ngày 11 tháng 2 năm 1859, De Genouilly lại dẫn các chiến-hạm trên vô cửa Cần-Giờ đánh tan các chiến-thuyền và đồn-bót do Ðề-Ðốc Trần-Trí đang tổ-chức phòng-thủ tại vịnh Gành-Rái. Thừa thắng tiến lên thượng nguồn, ngày 18 tháng 2 năm 1859, quân Pháp lại tấn-công đổ-bộ qui-mô từ bờ sông vào thành Gia-Ðịnh. Thành vở, Án-sát Lê-Tứ và Hộ-Ðốc Vũ-Duy-Ninh đều tuẫn-tiết. Còn lại Ðề-Ðốc Trần-Trí, Bố-Chánh Vũ-Trực cùng Lãnh-Binh Tôn-Thất-Năng rút tàn quân về cố-thủ huyện Bình-Long.
Vào giữa thế-kỷ thứ 19, hạm-đội Pháp được các sử-gia Tây-phương đánh-giá là hạm-đội tối-tân nhất trong các cường-quốc hải-quân Châu-Âu đang săn tìm thuộc-địa. Các chiến-thuyền lỗi thời của thủy-quân Triều Nguyễn hành-thủy từ những năm vua Gia-Long phục-quốc thống-nhất sơn-hà 1802, nên không đủ khả-năng đương cự lại.
Qua hai trận thủy-chiến mà tương quan kỹ-thuật tác-chiến quá chênh-lệch như vậy thành ra quân ta thất trận hoàn-toàn và thủy-quân triều Nguyễn coi như thật sự bị xoá sổ từ đây, dù rằng dưới triều vua Tự-Ðức việc huấn-luyện thủy-quân rất được chú-trọng đến.
Giở lại những trang quân-sử thành-lập Quân-lực VNCH (7), nếu gác bỏ ra ngoài những tai-tiếng không tốt mà đối-phương đã tuyên-truyền về nếp sống xa-hoa của cựu-hoàng Bảo-Ðại lưu-vong, người đọc sẽ thông-cảm được quyết–tâm cao tạo-dựng một quốc-gia Việt-Nam (QGVN) độc lập, qua quyển CON RỒNG VIỆT NAM, của vị vua cuối-cùng triều-đại nhà Nguyễn.
Bảo Đại
Trải qua nhiều giai-đoạn thương-thuyết rất cam go với chính-quyền thực-dân Pháp, cựu-hoàng Bảo-Ðại hết sức kiên-nhẩn với tập-đoàn thống-trị để họ chấp nhận một nước Việt-Nam độc-lập trong Liên-hiệp Pháp được hình thành.
Ngày mùng 5 tháng 6 năm 1948, hiệp-định sơ-bộ Vịnh Hạ-Long (dẫn đến hiệp-định Elysée sau này) ký-kết giữa Toàn-quyền Ðông-Dương Emile Bollaert và Thủ-tướng lâm thời Nguyễn-Văn-Xuân có cựu-hoàng phó-thự (countersign) trên chiến-hạm Duguay Trouin thừa nhận nguyên-tắc độc-lập và thống-nhất của nước Việt-Nam với Quốc-kỳ: Cờ màu vàng 3 sọc đỏ và Quốc-ca: Thanh-niên hành-khúc của Lưu-Hữu-Phước. (8).
Nhưng rồi Quốc-hội Pháp cứ làm ngơ, viện cớ chưa tìm được qui-chế thích-hợp cho Nam-Kỳ, mãi đến ngày 8 tháng 3 năm 1949 mới thuận cho Tổng-thống Pháp Vincent Auriol và cựu-hoàng Bảo-Ðại chính thức ký hiệp-định Elysée chấp nhận nước Việt-Nam độc-lập trong khối Liên-hiệp-Pháp có tổ-chức hành-chánh riêng, tài-chánh riêng, tư-pháp riêng, quân-đội riêng và Pháp sẽ ủng-hộ Việt-Nam gia-nhập Liên-Hiệp-Quốc (9).
Như vậy, cực chẵng đã chánh-phủ Pháp đành phải trao-trả nền độc-lập, thống-nhất và toàn-vẹn lãnh-thổ cho vị nguyên-thủ của nước Việt-Nam là Quốc-trưởng Bảo-Ðại. Dĩ-nhiên hiệp-định này đi ngược lại quyền-lợi của nước Pháp, vì thực-dân Pháp chỉ muốn cai-trị nước ta như trước kia mà thôi.
Jean De Lattre de Tassigny
Thực-thi hiệp-định Elysée, thỏa-ước quân-sự Pháp-Việt ngày 30 tháng 12 năm 1949 về Hải-quân lại bị trì-trệ kéo dài đến giữa năm 1951, Ðô-Ðốc Ortoli, Tư-Lệnh Hải-quân Pháp ở Viễn-Ðông mới được lệnh lập kế-hoạch huấn-luyện quân-sự để chuyễn-giao đầu-tiên 2 Hải-Ðoàn Xung-Phong cho Hải-quân Việt-Nam. Chương-trình chuyễn-giao các Trục-Lôi-hạm(YMS), Giang-pháo-hạm(LSIL). Trợ-chiến-hạm(LSSL)... sẽ tiến-hành vào những năm kế tiếp. Nhưng khi nắm quyền Tổng-chỉ-huy hành-chánh lẫn quân-sự tại Ðông-Dương, Thống-Tướng Jean de Lattre de Tassigny (10) muốn Hải-quân Việt-Nam hoàn-toàn thống thuộc mọi mặt vào lục-quân Pháp, chứ không phải là một quân-chủng riêng như Ðô-Ðốc Ortoli đã đề-nghị. Viên tướng 5 sao này cho rằng một quân-chủng kỷ-thuật như Hải-quân không thể nào đứng vững được vì thiếu cán-bộ và chiến-cụ.
Ngày 15 tháng 8 năm 1951, Pháp đồng ý cho tuyển-mộ khóa 1 Sỉ-quan Hải-quân gồm 9 sinh-viên - 6 theo ngành chỉ-huy và 3 theo ngành cơ-khí - phần đông là cựu-sinh-viên trường Thủy-Văn Sài Gòn (Saigon Hydrography School); khóa Hạ-sĩ-quan có 50 và Ðoàn-viên là 300.
Còn về phía Chính-Phủ Quốc-Gia Việt-Nam, dù bị chèn-ép mọi mặt, Quốc-trưởng Bảo-Ðại vẫn kiên-trì tranh-thủ xây-dựng nền-tảng bắt đầu từ con số không cho Quân-Ðội Quốc-Gia.
Kể từ sau ngày 24 tháng 8 năm 1945 bị Hồ-Chí-Minh ép-buộc thoái-vị phải trao kiếm vàng cùng ấn ngọc cho đại-diện Việt-Minh Cộng-Sản là Trần-Huy-Liệu và Cù-Huy-Cận tại Ngọ-Môn Huế, cựu-hoàng hết sức thấm-thía về việc hoàng-triều không có một quân-đội đủ mạnh để dẹp bỏ Việt-Minh Cộng-Sản trước rồi sau đó đẩy lui Phú-Lang-Sa và bảo-vệ chủ-quyền Quốc-gia trường-tồn. Cho nên trong thông-điệp ngày 15 tháng 5 năm 1948 gửi cho Thiếu-Tướng Nguyễn-Văn-Xuân, cựu-hoàng tán-thành đề-nghị thành-lập Chính-Phủ Trung-Ương Lâm-Thời và giao cho Quốc-Vụ-Khanh kiêm Tổng-trấn Trung-phần (sau này đổi tên là Thủ-hiến Trung-Việt) Phan-Văn-Giáo (11) trọng-trách xây-dựng một Quân-Ðội Quốc-Gia Việt-Nam gồm đủ cả Hải, Lục và Không-quân. Cho đến năm 1949, Tổng-trấn Trung-phần Phan-Văn Giáo đã thành-công trong công-tác tuyển-mộ và huấn-luyện cho tổ-chức Việt-Binh-Ðoàn tại Huế. Sau hiệp-định Elysée, lần-lượt Vệ-Binh Nam-Phần và Bảo-Chính-Ðoàn Bắc-Phần cũng được thành-lập vào giữa năm 1950. Chính những đơn vị này là hạt-nhân cơ-bản cho tổ-chức quân-đội chính-qui QGVN (The Vietnamese National Army) ra đời ngày 30 tháng 1 năm 1951 (Dụ số 1-0D/VOP/DQT/TS) kèm theo 2 sắc-lệnh cùng ngày (12).
Sinh sau đẻ muộn hơn 2 quân-chủng Lục và Không-quân vì nghị-định thành-lập Hải-quân bị đình-hoãn nhiều lần. Nhưng rồi do nhu-cầu chiến-cuộc, dụ số 2 đã cho phép Hải-quân ra đời ngày 6 tháng 3 năm 1952, hồi-tố đến ngày 1 tháng 1 năm 1952. Vào thời điểm này, muốn thành-lập một quân-chủng kỷ-thuật như Hải-quân mà không có một đội ngũ cán-bộ chuyên-nghiệp giỏi, không có các phương-tiện huấn-luyện nhân-sự quả là một điều không tưởng. Không còn cách nào tốt hơn để đốt giai-đoạn, ngoại trừ Chính-phủ QGVN dựa vào những cơ-sở huấn-luyện có sẳn của Hải-quân Pháp để đào-tạo nhân-viên tân-tuyển của mình.
Cho nên trong khoảng thời-gian từ năm 1951 đến năm 1953, hầu hết Sĩ-quan, Hạ-sĩ-quan và Ðoàn-viên tiên-khởi của Hải-quân Việt-Nam phải theo thực-tập (On the job training) trên các chiến-hạm, chiến-đỉnh của Hải-quân Pháp đang hoạt-động ngoài biển cũng như trong sông.
Có thể nói những người tình-nguyện gia-nhập vào hàng ngũ Hải-quân Việt-Nam trong hoàn-cảnh quá khó-khăn như vậy là những thanh-niên quyết-tâm bảo-vệ quốc-gia và ôm-ấo mộng hải-hồ. Với tinh-thần yêu nươc cao độ, nhẫn-nhịn chịu đựng tập-luyện vượt qua nhiều giai-đoạn cực-khổ, cuối cùng họ đã chứng-tỏ được khả-năng hoàn-hảo về kỹ-thuật, hành-thủy và tác-chiến để xứng-đáng nhận lãnh đầu tiên 2 Hải-Ðoàn Xung-Phong Cần-Thơ và Vĩnh-Long vào giữa năm 1953 (13). Thái-độ đối-xử hòa-nhã cùng nhiệt-tình làm việc của tân thủy-thủ-đoàn Việt-Nam khiến cho một số Sĩ-quan và Hạ-sĩ-quan Pháp quên đi nỗi bất-bình về lá cờ màu vàng 3 sọc đỏ đang phất-phới bay trên các chiến-đỉnh của họ mà họ còn nán lại phục-vụ trong những ngày chót trước khi lên đường về nước.
Giờ đây, Hải-Quân Việt-Nam là một thực-thể trong ước-mơ của những chàng trai-trẻ ham ra khơi, thích lướt sóng; nhất là viễn-dương xuất-ngoại du-học. Họ đã tạo được niềm-tin vững-mạnh cho Thủ-Tướng Ngô-Ðình-Diệm ban nghị-định ngày 20 tháng 8 năm 1955 thành-lập Bộ Tư-Lệnh Hải-Quân (BTL/HQ) và chính-thức bổ-nhiệm HQ/Thiếu tá Lê-Quang-Mỹ vào chức-vụ Tư-lệnh Hải-quân kiêm chỉ-huy-trưởng đoàn Thủy-quân-lục-chiến. Riêng Hải-Ðoàn 2 Xung-Phong (Dinassault N0 2) được tướng De-Lattre) ra lệnh thành-lập từ đầu tháng 2 năm 1951 theo nhu-cầu cuộc-chiến tại miền Trung-châu Bắc-việt vẫn trực-thuộc Bộ Chỉ-Huy Giang-Lực của Pháp (COFFLUSIC) và sát-nhập vào Hải-Ðoàn 21 Xung-Phong đầu năm 1955 khi vào Nam (14)
Ngày 16 tháng 6 năm 1954, Chí-sĩ Ngô-Ðình-Diệm về nước thành-lập Chính-Phủ do sự ủy-nhiệm của Quốc-trưởng Bảo-Ðại bằng sắc-lệnh số 38/QT. Bởi những thế-lực riêng biệt do quân-đội Pháp cố tình tạo ra trước khi rút về nước theo hiệp-định Genève ngày 21 tháng 7 năm 1954, quân-đội QGVN bị chia rẽ thật trầm-trọng. Theo Ðoàn-Thêm trong tài-liệu đã dẫn, ngày 21 tháng 3 năm 1955, trên hệ-thống đài phát-thanh Pháp-Á cũng như đài phát-thanh Quốc-gia SàiGòn, Thủ-tướng Ngô-Ðình-Diệm đã phải cương-quyết tuyên-bố:
“Phải thống-nhất quân-đội, không có lực-lượng riêng biệt; phải thống-nhất hành-chánh, không có địa-phương tự-trị; phải thống-nhất tài-chánh, không thể thâu những sắc-thuế do địa-phương tự-động đặt ra.”
Ngoại trừ quân-đội Cao-Ðài thực-tâm qui-thuận Chính-phủ, ngày 28 tháng 3 năm 1955, Thủ-tướng Diệm ra lệnh cho quân-đội QGVN tấn-công loại bỏ quân-đội Bình-Xuyên và ngày 5 tháng 6 năm 1955 loại trừ luôn quân-đội Hòa-Hảo.
Báo-chí trong nước, ngoài nước thời đó đều ca ngợi tài lãnh-đạo anh-minh của Thủ-tướng Diệm; vì chỉ trong vòng một năm thôi mà Ông đã gom được quân-đội về một mối, chấm dứt nạn “Sứ-quân thời-thượng”. Thắng-lợi này cũng dọn đường cho cuộc trưng-cầu dân-ý ngày 23 tháng 10 năm 1955 truất-phế Bảo-Ðại và suy-tôn Thủ-Tướng Ngô-Ðình-Diệm lên chức-vụ Quốc-Trưởng. Chủ-tịch Thượng-viện Hoa-Kỳ Lyndon Baines Johnson cũng cổ-vũ Tổng-Thống Diệm là Churchill của thập niên...người lãnh-đạo tiền-phong cho nền tự-do ở Ðông-Nam-Á...(15).
Dụ số 2 ấn-định ngày 26 thắng10 năm 1955 là ngày Quốc-Khánh của nền Ðệ Nhất Việt-Nam Cộng-Hòa và Quốc-trưởng lấy danh-hiệu là Tổng-Thống VNCH. Quân-Ðội QGVN trở thành Quân-lực VNCH (The Republic of Vietnam Armed Forces = RVNAF)
Ðến cuối năm 1955, Hải-quân thuần-túy Việt-Nam có 3,858 người kể cả 1291 Thủy-quân-lục-chiến với Tiểu-đoàn 1 Quái-Ðiểu và Tiểu-đoàn 2 Trâu-Ðiên.
Ðầu năm 1956, Tổng-Thống VNCH chấp-thuận dự-án Giang-lực dự-trù thành-lập 5 Hải-đoàn Xung-Phong, mỗi hải-đoàn sẽ được trang-bị:
· 05 Trung-vận-đỉnh LCM6 (Landing craft Mechanized)
· 04 Tiểu-vận-đỉnh LCVP (Landing craft vehicle and personnel)
· 05 Hô-bo vận-tốc nhanh (Hors-bord)
· 02 Quân-vận-hạm LCU (Landing craft utility)
· 02 Tàu kéo quân-cảng YTL (harbor craft)
· 01 Giang-pháo-hạm LSIL (Landing ship infantry large) tăng-phái.
Ðó là các Hải-Ðoàn 21 Xung-Phong (hậu-cứ tại Mỹ-Tho), Hải-Ðoàn 23 Xung-Phong (hậu-cứ tại Vĩnh-Long)Hải-Ðoàn 24 Xung-Phong (hậu-cứ tại Cát-Lái) Hải-Ðoàn 25 Xung-Phong (hậu-cứ tại Cần-Thơ và Hải-Ðoàn 26 Xung-Phong (hâu-cứ tại Long-Xuyên).
Riêng về Hải-lực, đến cuối năm 1957, số chiến-hạm được Pháp chuyễn-giao lên 21 chiếc gồm:
· 05 Hộ-tống-hạm PC (Patrol Craft or submarine chaser) là:
HQ.01-CHI-LĂNG
HQ.02-VẠN-KIẾP
HQ.03-ÐỐNG-ÐA
HQ.04-TUY-ÐỘNG
HQ.05-TÂY-KẾT.
· 03 Trục-lôi-hạm YMS (Yard MineSweeper) là:
HQ.111-HÀM-TỬ
HQ112-CHƯƠNG-DƯƠNG
HQ.113- BẠCH-ÐẰNG.
· 02 Trợ-chiến-hạm LSSL (Landing Ship Support Large) là:
HQ.225-NỎ-THẦN(Nguyễn-Văn-Trụ)
HQ.226-LINH-KIẾM(Lê-Trọng-Ðàm).
· 05 Giang-pháo-hạm LSIL (Landing Ship Infantry Large) là:
HQ.327-LONG-ÐAO
HQ.328-THẦN-TIỂN
HQ.329-THIÊN-KÍCH
HQ.330-LÔI-CÔNG
HQ.331-TẦM-SÉT.
· 04 Hải-vận-hạm LSM (Landing Ship Medium) là:
HQ.400-HÁT-GIANG
HQ.401-HÀN-GIANG
HQ.402-LAM-GIAN
HQ.403-NINH-GIANG.
· 01 Hỏa-vận-hạm YOG (Oiler) là:
HQ.470.
· 01 Huấn-luyện-hạm AKL (Loại tàu vận-chuyễn) là:
HQ.451-QUÁ-GIANG
2- GIAI-ÐOẠN CHẬM-CHẠP PHÁT-TRIỂN (1958-1967)
Năm 1958 được chọn làm mốc thời-gian vì những sự-kiện quan-trọng sau đây:
Trung-Tâm Huấn-Luyện Hải-Quân NHa-Trang được Pháp chuyễn-giao toàn bộ lại cho Hải-Quân Việt-Nam.
Hải-Quân Việt-Nam tăng lên 5,000 người
Khóa 8 Sĩ-qian Nha-Trang (Ðệ I Hổ-Cáp) có 50 sinh-viên nhập học với giáo-sư, giảng-viên và Huấn-luyện-viên loàn-toàn là người Việt-nam.
Quân-số Giang-lực gia-tăng 50% cho 5 Hải-Ðoàn Xung-Phong trang-bị 96 chiến-đỉnh đủ loại.
Ðầu năm 1960, Bộ Tư-Lệnh Hải-Quân phúc-trình đặc-biệt lên Bộ Tộng-Tham-Mưu về tiểu-đoàn 603 Việt-Cộng tức Tập-Ðoàn Ðánh Cá Sông Gianh đã lén-lút xâm-nhập vào Duyên-khu Ðà-Nẳng. Tổng-Thống Diệm chấp-thuận thành-lập ngay 4 Ðội Hải-Thuyền đầu-tiên: Ðội 11 Cửa-Việt, Ðội 12 Cửa Thuận-An, Ðội 13 Cửa Tư-Hiền, Ðội 14 Cửa Hội-An. HQ/Ðại-úy Nguyễn-Văn-Thông (khóa 3 Sĩ-Quan Nha-Trang) chỉ-huy huấn-luyện 400 tuần-viên sơ-khởi cho 80 ghe đủ loại.
Năm 1962, Hải-Ðoàn 22 Xung-Phong được thành-lập, HQ/Ðại-úy Huỳnh-Duy-Thiệp (khóa 7 Sĩ-Quan Nha-Trang) là Chỉ-Huy-Trưởng đầu tiên.
Ðến cuối năm này, Lực-lượng Hải-Thuyền tăng lên 28 đội đóng dọc theo duyên-hải với 800 Tuần-viên, rồi được cải-danh thành Duyên-Ðoàn khi quân-số tăng lên đến 4,000 người.
Ðến đầu năm 1963, HQ/Ðại-tá Hồ-Tấn-Quyền, Tư-Lệnh Hải-Quân mở cuộc hành-quân thủy-bộ bình-định Năm-Căn: Chiến-dịch SÓNG-TÌNH-THƯƠNG.
Bước ngoặt chính-trị năm 1963:
Ðược sự ủng-hộ của Ðại-sứ Mỹ Henry Cabot Lodge (vua tổ-chức đảo-chánh), các tướng-lãnh Việt-nam đã làm cuộc đảo-chánh ngày 1 tháng 11 năm 1963 giết chết Tổng-Thống Diệm và chấm dứt nền Ðệ I VNCH (16). Trong cuộc chính-biến này, HQ/Ðại-tá Hồ-Tấn-Quyền, Tư-Lệnh Hải-Quân cũng bị một sĩ-quan đàn em chối bỏ truyền-thống quân-chủng ám-sát chết (17).
Vì khônng còn lãnh-tụ nào sáng giá hơn Ông Diệm, nên tình-hình chính-trị miền Nam trở nên bất ổn. Quân-đội phân-hóa, đảo-chánh liên-miên, sinh-viên học-sinh biểu-tình hàng ngày. Lợi-dụng tình-trạng rối-ren tại thành-phố và hoang-phế 7000 ấp chiến-lươc tại nông-thôn, Việt-Cộng gia tăng cường-độ ám-sát khủng-bố và bắt đầu tổ-chức đánh lớn cấp trung-đoàn. Cuối năm này, Hải-quân mất luôn quyền chỉ-huy Liên-đoàn Thủy-quân lục-chiến khi binh chủng thống-thuộc này trở thành Lử-đoàn tổng-trừ-bị do Trung-tá Lê-Nguyên-Khang làm Tư-Lệnh và bị áp-đặt trực-thuộc Bộ Tổng-Tham-Mưu về mọi mặt giống như binh-chủng Nhảy-dù của Không-quân.
Ðến hết năm 1964, Hải-quân cũng chưa thoát khỏi quỉ-đạo lục-đục trên đây, các sĩ-quan khóa 2 Nha-Trang gồm HQ/Trung-tá Nghiêm-Văn-Phú, Chỉ-huy-trưởng Hải-lực; HQ/Trung-tá Ðỗ-Quý-Hợp, Chỉ-huy-trưởng Giang-lực; HQ/Trung-tá Khương-Hữu-Bá, Chỉ-huy-trưởng Duyên-lực; HQ/Trung-tá Ðặng-Cao-Thăng, (khóa 1 Brest), Giám-đốc Hải-Quân Công-Xưởng đồng lòng lật đổ Phó Ðề-Ðốc Chung-Tấn-Cang,Tư-lệnh Hải-Quân về vụ thủy-cước.
Sau ngày 8 tháng 3 năm 1965, quân-đội Hoa-Kỳ đổ-bộ lên hải-cảng Ðà-Nẳng, Hải-quân có 7 Hải-Ðoàn Xung-Phong. Với bảng cấp số (SOP) mới 1965, Hải Ðoàn Xung-Phong được cải danh là Giang-Ðoàn Xung-Phong (River Assault Group = RAG) có quân-số 150 người. Sáu trong bảy Giang-đoàn loại này được trang bị:
· 01 Giang-đỉnh chỉ-huy (Commandement Monitor)
· 01 Chiến-đấu-đỉnh (Combat Monitor)
· 05 Trung-vận-đỉnh LCM6.
· 06 Tiểu-vận-đỉnh LCVP.
· 06 Xung-kích-đỉnh STCAN or FOM.
Riêng Giang-đoàn 27 Xung-Phong trang-bị hơi khác biệt với 6 Giang-đoàn kia: 01 Giang-đỉnh chỉ-huy + 01 Chiến-đấu-đỉnh + 06 Quân-vận-đỉnh LCM8 và 10 Tiểu-đỉnh RPC (River Patrol Craft) (18). Quân-số Giang-lực lúc bấy giờ tăng thành 1150 người kể cả Bộ Chỉ-huy Giang-lực và 3 Ban Chỉ-huy hành-chánh Liên Giang-đoàn (type).
Ngày 19 tháng 6 năm 1965 được gọi là Ngày Quân-Lực do sắc-lệnh của Chủ-tịch Ủy-ban Hành-Pháp Trung-ương (tương-đương với Thủ-tướng Chính-phủ) Nguyễn-Cao-Kỳ ban-hành để chấm dứt thời-kỳ khủng-hoảng chính-trị kéo dài. (19).
Gần cuối năm, Lực-lượng Hải-thuyền 4000 ngưởi được sát-nhập vào Hải-quân. Tuần-viên cải danh thành Ðoàn-viên kèm theo cấp số chánh-thức cho mỗi Duyên-đoàn là 03 Ghe chủ-lực, 03 ghe di-cư và 16 ghe chèo.
Trong 7 năm đầu, Hải-quân tiến-triển chậm-chạp nhưng trong 3 năm sau, Hải-lực đã nhận thêm một số chiến-hạm đáng kể:
· 03 Trục-lôi-hạm MSC (Mine Sweeper Craft) là:
HQ.114-HÀM-TỬ II
HQ.115- CHƯƠNG-DƯƠNG II
HQ.116-BẠCH-ÐẰNG II.
· 01 Hộ-tống-hạm PC là:
HQ.06-VÂN-ÐỒN.
· 02 Hộ-tống-hạm PCE (Patrol Craft Escort) là:
HQ.07-ÐỐNG-ÐA
HQ.12- NGỌC-HỒI
· 04 Hộ-tống-hạm MSF (Mine Sweeper Fleet) là:
HQ.08-CHI-LĂNG II
HQ.09-KỲ-HÒA
HQ.10-NHỰT-TẢO
HQ.11-CHÍ-LINH.
· 03 Hải-vận-hạm LSM (Landing Ship Medium) là:
HQ.404-HƯƠNG-GIANG
HQ.405-TIỀN-GIANG
HQ406-HẬU-GIANG.
· 03 Dương-vận-hạm LST (Landing Ship Tank) là:
HQ.500-CAM-RANH
HQ.501-Ðà-NẲNG
HQ 502-THỊ-NẠI.
· 20 Tuần-duyên-hạm PGM (Patrol Gunboat) là:
HQ.600-PHÚ-DỰ.
HQ.601-TIÊN-MỚI.
HQ.602-MINH-HOA.
HQ.603-KIẾN-VÀNG.
HQ.604-KEO-NGỰA.
HQ.605-KIM-QUY.
HQ.606-MAY-RÚT.
HQ.607-NAM-DU.
HQ.608-HOA-LƯ.
HQ.609-TÔ-YẾN.
HQ.610-ÐỊNH-HẢI.
HQ.611-TRƯỜNG-SA.
HQ.612-THÁI-BÌNH.
HQ.613-THỊ-TỨ.
HQ.614-SONG-TỬ.
HQ.615-TÂy-SA.
HQ.616-HOÀNG-SA.
HQ.617-PHÚ-QUÝ.
HQ.618-HÒN-TRỌC.
HQ.619-THỔ-CHÂU.
· 02 Hỏa-vận-hạm YOG là:
HQ.471.
HQ.472.
· 05 Trợ-chiến-hạm LSSL là:
HQ.227-LÊ-VĂN-BÌNH
HQ.228-ÐOÀN-NGỌC-TẢNG.
HQ.229-LƯU-PHÚ-THỌ.
HQ.230-NGUYỄN-NGỌC-LONG..
HQ.231-NGUYỄN-ÐỨC-BỔNG.
Như vậy, vào cuối năm 1967, Hải-lực có tổng-số chiến-hạm là 64 chiếc.
3- GIAI-ÐOẠN NHANH CHÓNG BÀNH-TRƯỚNG (1968-1975).
Ðầu năm 1968, Việt-cộng mở cuộc Tổng-nổi-dậy, công-kích trên toàn lãnh-thổ VNCH; Hải-quân với quân-số 30,000, kể cả 7,500 sĩ-quan, không những bảo-toàn được lực-lượng đông-đảo như vậy mà còn yểm-trợ hữu-hiệu cho các đơn-vị bạn tái chiếm nhiều vị-trí bị lọt vào tay địch trong những ngày Tết Mậu-Thân.
Cũng trong năm này, 3 trung-tâm huấn-luyện được phân-nhiệm rõ-rệt: Trung-Tâm Huấn-Luyện Nha-Trang đào-tạo sĩ-quan, Trung-Tâm huấn-Luyện Cam-Ranh dành cho Hạ-sĩ-quan và Ðoàn-viên, Trung-Tâm Huấn-Luyện Bổ-Túc Sài Gòn trau-dồi thêm kiến-thức chuyên-môn cho các cấp.
Ðến năm 1969, để theo kịp chương-trình “Việt-Nam hóa chiến-tranh” (Accelerated turnover to the Vietnamese = ACTOV), Bộ Tư-Lệnh Hải-quân tổ-chức HÀNH-QUÂN LƯU-ÐỘNG BIỂN và HÀNH-QUÂN LƯU-ÐỘNG SÔNG. Trong tổ-chức Hành-Quân Lưu-Ðộng Sông, 3 Lực-lượng tác-chiến trong sông được thành-lập:
· Lực-lượng Thủy-Bộ, tổ-chức hành-chánh (type) đóng tại Bình-Thủy, khi trở thành Ðặc-Mhiệm (Task) gọi là Lực-Lượng Ðặc-Nhiệm 211.
· Lực-Lượng Tuần-Thám, tổ-chức hành-chánh đóng tại Mỹ-Tho, khi trở thành Ðặc-Nhiệm gọi là Lực-Lượng Ðặc-Nhiệm 212.
· Lực-Lượng Trung-Ương, tổ-chức hành-chánh đóng tại Ðồng-Tâm, khi trở thành Ðặc-Nhiệm gọi là Lực-Lượng Ðặc-Nhiệm 214.
Tư-Lệnh Hải-Quân vùng VI Sông-Ngòi kiêm Tư-Lệnh Hạm-Ðội Ðặc-Nhiệm 21 khi chỉ-huy cả 3 Lực-lượng trên cùng 7 Giang-Ðoàn Xung-Phong và các cơ-sở tiếp-vận trong vùng châu-thổ Cữu-Long, quân-số lên đến 10,500 người. Tư-Lệnh vùng III Sông-Ngòi có 5 Giang-đoàn Xung-Phong cơ-hữu, cũng được sự tăng-phái của các Lực-lượng Ðặc-nhiệm 211,212 và 214. (20)
Hoàn tất chương-trình ACTOV năm 1972, Hành-quân Lưu-động Biển đã nhận thêm 20 chiến-hạm:
· 04 Dương-vận-hạm LST là:
HQ.503-VŨNG-TÀU
HQ.504-QUI-NHƠN
HQ.505-NHA-TRANG
HQ.800-MỸ-THO.
· 02 Cơ-xưởng-hạm LST là:
HQ.801-CẦN-THƠ
HQ.802-VĨNH-LONG.
· 01 Hộ-tống-hạm MSFlà:
HQ.13-HÀ-HỒI.
· 01 Hộ-tống-hạm PCE là:
HQ.14-VẠN-KIẾP.
· 03 Hỏa-vận-hạm YOG là:
HQ.472
HQ.473
HQ.475.
· 02 Khu-trục-hạm tiền-thám DER (Destroyer Radar Picket Escort) là
HQ.1-TRẦN-HƯNG-ÐẠO
HQ.4-TRẦN-KHÁNH-DƯ
· 07 Tuần-dương-hạm WHEC (White High Endurance Cutter) là:
HQ.2-TRẦN-QUANG-KHẢI
HQ.3-TRẦN-NHẬT-DUẬT
HQ.5-TRẦN-BÌNH-TRỌNG
HQ.6-TRẦN-QUỐC-TOẢN
HQ.15-PHẠM-NGŨ-LÃO
HQ.16-LÝ-THƯỜNG-KIỆT
HQ.17-NGÔ-QUYỀN
· 05 Hải-đội Duyên-Phòng được chuyễn-giao 26 Tuần-duyên-đỉnh WPB (Coastal Patrol Boat) đánh số từ HQ.700 đến HQ.725 và 107 Duyên-tốc-đỉnh PCF (Patrol Craft Fast).
Cuối năm 1972, quân-số hải-quân VNCH tăng thành 41,000 người. Theo Jane’s Fighting Ships 1972-1973, HQ/Ðại-tá John More xếp sự lớn mạnh của lực-lượng Hải-quân VNCH vào hàng thứ 9 trong các cường-quốc Hải-quân trên thế-giới.
Ðầu năm 1975, lực-lượng Hải-quân VNCH gồm:
· 05 vùng Duyên-hải với 133 chiến-đỉnh và 500 ghe đủ loại.
· 02 vùng Sông-ngòi và 03 lực-lượng tác-chiến trong sông với trên 950 chiến-đỉnh đủ loại.
· Hạm-đội Biển với 84 chiến hạm.
· Quân-số: 43,000 người.
Giữa tháng 4 năm 1975, ngay sau khi trở lại nhậm-chức Tư-Lệnh Hải-Quân lần thứ hai, Phó Ðô-đốc Chung-Tấn-Cang chỉ-định HQ/Ðại-tá Lê-Hữu-Dõng thành-lập cấp-tốc Lực-Lượng Ðặc-Nhiệm 99 với sự phối-hợp của các Giang-đoàn 22 Xung-Phong, Giang-đoàn 42 Ngăn-Chặn và Giang-Ðoàn 59 Tuần-Thám gồm khoảng 50 chiến-đỉnh để giải-tỏa áp-lực địch trong phạm-vi trách-nhiệm của Hải-quân.
__________________________
Chú-Thích:
(6)- Trần-trong-Kim. việt-Nam Sử-Lược. Saigon thư-xã 1962. Chương 7: Quân-đội Triều Nguyễn, trang 510-520.
Nguyễn-hợp-Minh. Lịch-sử giữ nước của dân-tộc Việt-Nam. Melbourne 2000. Tập 6, trang 285-288.
Ðúc kết tóm-lược: Sau khi ký hiệp-ước Thiên-Tân ngày 27 tháng 6 năm 1858 với Trung-Hoa, Chính-Phủ thực-dân Pháp chỉ-định Ðề-đốcRigault de Genouilly điều-động 13 chiến-hạm Pháp và 01 chiến-hạm Tây-Ban-Nha do HQ/Ðại-tá Lanzarote làm Hạm-trưởng, kéo sang xâm-lược Việt-Nam. De Genouilly được phong chức Phó Thủy-sư Ðô-đốc, Tổng chỉ-huy Lực-lượng Thực-dân Viễn- chinh tại nước ta từ ngày 1 tháng 9 năm 1858 đến ngày 1 tháng 11 năm 1859.
(7)- Bộ Tổng-tham-mưu phòng5. Quân-sử tập 4: Quân-lực hình-thành 1946-1955. Saigon 1972.
(8)- Ðoàn-Thêm. Hai mươi năm qua, việc từng ngày. Saigon 1966, trang 44-45.
(9)- Ðoàn-Thêm. Tài-liệu đã dẫn, trang 52.
(10)- Ðoàn-Thêm ghi nhận trang 82, tái-liệu đã dẫn: Từ nay, quân-đội VN thuộc hẳn quyền Quốc-trưởng Bảo-Ðại, nhưng có cơ-quan liên-lạc với quân-đội Liên-hiệp Pháp.
Cũng ngày hôm đó, Thống-tướng 5 sao Jean de Lattre de Tassigny, được Chính-phủ Pháp cử sang làm Tổng-Tư-Lệnh Quân-Ðội kiêm Cao-Ủy pháp tại Ðông-Dương.
(11)- Trung-tướng Tôn-Thất-Ðính. Hồi-ký 20 năm binh-nghiệp. CA Chánh-đạo 1988, trang 29-30.
Ðoàn-Thêm. Tài-liệu đã dẫn, trang 44, 57, 69 và 112.
Ðúc-kết tóm-lược: Ông Phan-Văn-Giáo, một nhân-vật thân-tín của Cựu-hoàng Bảo-Ðại, tuy không tốt-nghiệp một trường võ-bị nào nhưng có khả-năng rất cao về tổ-chức quân-đội, giúp Quân-Ðội VNCH sớm hình-thành. Qua nhiều Chính-phủ từ Nguyễn-Văn-Xuân đến Nguyễn-Văn-Tâm, Ông đã được giao-phó nhiều chức-vụ thật quan-trọng:
Ngày 2 tháng 6 năm 1948: Quốc-vụ-khanh, Tổng-trưởng kiêm Tổng-trấn Trung-phần, đặc-trách thành-lập Việt-Binh-Ðoàn
Ngày 3 tháng 7 năm 1949: Thủ-hiến Trung-Việt bành-trướng Việt-Binh-Ðoàn thành Quân-Ðội QGVN.
Ngày 4 tháng 4 năm 1950: Tổng-Thanh-tra Quân-đội QGVN với quân-hàm Trung-tướng Giả-định (être assimilé au grade de Général), trực-thuộc Quốc-trưởng (Sắc-lệnh số 31/QT).
Ngày 25 tháng 6 năm 1952: Phó Thủ-tướng kiêm Tổng-trưởng Thông-tin.
(12)- Ðoàn-Thêm. Tài-liệu đã dẫn, trang 86.
(13)- Hải-đoàn Xung Phong, Hải-quân Pháp gọi là DINASSAUT (Division Naval d’assault), xin xem phần quan-niệm về tổ-chức Dinassault trong tập này, trang .... Lúc Pháp chuyễn-giao, các Hải-đoàn chưa có số nên tạm thời lấy tên địa-phương đồn-trú. Hải-đoàn Xung-phong Cần-Thơ và Vĩnh-Long, mỗi đơn-vị nhận:
01 giang-đỉnh chỉ-huy (Commandement Monitor LCM6.
02 Trung-vận-đỉnh LCM6 (Landing craft Mechanized)
02 Tiểu-vận đỉnh LCVP (Landingcraft Vehicle and Personnel).
(14)- HQ/Tr/tá Vũ-Hữu-San. Lược-sử tổ-chức Hải-quân VNCH. Tài-liệu chuyễn cho Hội-Ðồng Hải-Sử 2000, trang 4-6.
(15)- Karnow, Stanley. Viuetnam a story. Viking London 1991, trang 222 ghi lại nhận-định của Lyndon B.Johnson như sau: “President Diem is the Churchill of the decade... in the vanguard of those leaders who stand for freedom...”.
(16)- Karnow, Stanley. Tài-liệu đã dẫn, nhận-xét về Tổng-Thống Diệm:”... into South Vietnam’s military and Police machinery, leaving only small fraction for economie decelopment; and he was less interested in building an army to fight Viet-Cong guerrillas than in forming conventional units that would protect him against his rival in Saigon...”. Karnow cựu thông-tín-viên cho các tờ Times, Life và The Washington Post kiêm chủ-nhiệm The New Republic về vấn-đề Ðông-Nam-Á, nổi tiếng qua quyển “Mao and China” năm 1972 vì những sự thật được phơi-bày trong đó. Nhưng đến quyển Vietnam a story xuất-bản năm 1983, Ông vấp phải nhiều sai-sót nghiêm-trọng, có lẽ vì không được ở Việt-Nam lâu bằng ở Trung-Cộng. Ðiển-hình là ông không biết Liên-Binh Phòng-Vệ dinh Tổng-Thống có mấy Tiểu-đoàn và Lực-lượng Ðặc-biệt của Trung-tá Lê-Quang-Tung có bao nhiêu Ðại-đội thuộc Cần-Lao?. Ông cũng không biết đến quốc-sách 7 ngàn Ấp Chiến-Lược với 8 triệu dân-quân đang ngày đêm trực-diện chiến-đấu với Cộng-Sản tại nông-thôn hẻo lánh. Thành thử Ông nhận-định hàm-hồ như vậy cũng phải!
(17)- Nghi-phạm ám-sát HQ/Ðại-tá Quyền (khóa 1 Sĩ-quan Nha-Trang) là HQ/Thiếu-tá Trương-Ngọc-Lực (khóa 2 Sĩ-quan Nha-Trang). Các Tướng-lãnh tổ-chức cuộc đảo-chánh ngày 1 tháng 11 năm1963 đã sai-lầm trong quyết-định dùng một sĩ-quan đàn em sát-hại sĩ-quan đàn anh mà không đếm xỉa gì đến truyền-thống quân-chủng Hải-quân. Ngay khi nhận thấy hậu-quả nghiêm-trọng về cái chết của Tư-Lệnh Hải-Quân. Hội-đồng tướng-lãnh vội-vã thăng-cấp Trung-tá Bộ-Binh cho Lực rồi đẩy ra nước ngoài để tránh búa rìu nguyền-rủa của cả Hải-quân vào thời đó.
(18)- Tham-chiếu quyết-định của Hội-Ðồng tu-chính Hải-qui do Phó Ðề-đốc Lâm-Nguơn-Tánh làm chủ-tịch, BTL/HQ/P5 ban-hành một tài-liệu căn-bản về việc định danh (đặt tên) cho các chiến-hạm và chiến-đỉnh vào tháng 6 năm 1971. Tên các chiến-đỉnh trong tập này được viết theo đúng tinh-thần sự-vụ văn-thư đã phổ-biến. Xin xem chương-trình ACTOV trong tập này, trang ....
(19)- Trên thế-giới, các quốc-gia văn-hiến chọn ngày truyền-thống Quân-đội (Ngày Quân-Lực) là ngày đề cao giá-trị tinh-thần bất-khuất, anh-dũng hy-sinh và tình đoàn-kết chiến-đấu vì mục-tiêu cao-cả của người chiến-binh mình. Úc-Ðại-Lợi (Australia) chẳng hạn, Lưỡng-Viện Quốc-Hội Úc đã chọn ngày 25 tháng 4 hàng nam làm ngày ANZAC. Cái độc-đáo của ngày Quân-lực Úc là ngày bại trận tổn-thất đến 5000 chiến-binh nhưng lại nói lên tinh-thần keo-sơn đoàn-kết, hào-hùng chiến-đấu của Liên-quân Úc và Tân-Tây-Lan trên chiến-trường quá bất lợi Gallipoli (Thổ-Nhỉ-Kỳ) vào ngày 25 tháng 4 năm 1915. Còn ngày Quân-lực 19 tháng 6 năm 1965 của nền Ðệ II VNCH chỉ là ngày mà Chủ-tịch Ủy-ban Lãnh-đạo Quốc-gia Trung-tướng Nguyễn-Văn-Thiệu và Chủ-tịch Ủy-ban hành-pháp Trung-ương Thiếu-tướng Nguyễn-Cao-Kỳ đồng ý với nhau là thôi, không làm đảo-chánh nữa vì đã loại bỏ chính-quyền dân-sự Phan-Khắc-Sửu (Tổng-thống) và Phan-Huy-Quát (Thủ-tướng) rồi. Ngày truyền-thống của Quân-lực VNCH mà chỉ có hai người quyết-định giống như trong thời-kỳ Quân-chủ chuyên-chế. Thật hiếm thấy thay!
(20)- Vùng III Sông-Ngòi có 5 Giang-Ðoàn Xung-phong trực-thuộc:
Giang-Ðoàn 22 Xung-Phong và Giang-Ðoàn 28 Xung-Phong hợp thành Liên Giang-Ðoàn trú đóng tại Nhà-Bè.
Giang-Ðoàn 24 Xung-Phong và Giang-Ðoàn 30 Xung-Phong hợp thành Liên Giang-Ðoàn trú đóng tại Long-Bình.
Giang-Ðoàn 27 Xung-Phong, tăng-phái thường-trực cho Ðặc-khu Rừng-Sát. Trú đóng tại Nhà-Bè.
Vùng IV Sông-Ngòi có 7 Giang-Ðoàn Xung-phong trực-thuộc:
Giang-Ðoàn 21 Xung-Phong và Giang-Ðoàn 33 Xung-Phong hợp thành Liên Giang-Ðoàn đồn-trú tại Mỹ-Tho.
Giang-Ðoàn 23 Xung-Phong và Giang-Ðoàn 31 Xung-Phong hợp thành Liên Giang-Ðoàn đồn-trú tại Vĩnh-Long.
Giang-Ðoàn 25 Xung-Phong và Giang-Ðoàn 29 Xung-Phong hợp thành Liên Giang-Ðoàn đồn-trú tại Cần-Thơ.Giang-Ðoàn 26 Xung-Phong, tăng-phái thường-trực cho BTL/Lực-lượng Ðặc-nhiệm 212 vùng biên-giới Việt-Miên, đồn-trú tại Long-Xuyên.
__________________________________
TÀI-LIỆU CHỌN-LỌC THAM-KHẢO
Tập này không có phần phụ-đính DANH-MỤC (Index) để đồng-nhất và dể-dàng tra-cứu, tên các tác-giả nước ngoài sẽ được ghi HỌ trước rồi mới đến TÊN giống như tên các tác-giả Việt-Nam, trong phần ghi chú.
1- Việt-Nam sử-lược - Trần-Trọng-Kim. Saigon Thư-xã 1962.
2- Lịch-sử giữ nước của dân-tộc Việt-Nam - Nguyễn-Hợp-Minh. Melbourne 2000, tập 6.
3- Quân-sử - Bô TTM/Phòng5-1972, tập 4 quân-lực hình-thành Saigon 1972.
4- Hai Mươi Năm Qua, việc Từng Ngày 1945-1964 - Ðoàn Thêm. Saigon 1966.
5- Tôn-Ngô binh-pháp - Ngô-Văn-Triệu. Saigon 1973.
6- Trấn-Hưng-Ðạo binh-thư yếu-lược - Nguyễn-Ngọc-Tỉnh. Paris 1988.
7- Hoạt-động trong sông của Hải-quân VNCH. Phó Ðề-đốc Ðặng-Cao-Thăng, bài viết cho Hải-sử 2000 (HS-2000)
8- Giang-Ðoàn Xung-Phong 22, 25 và 29. HQ/Ðại-tá Lê-Hữu-Dõng, bài viết cho HS-2000
9- Lược-sử tổ-chức Hải-quân VNCH. HQ/Trung-tá Vũ-Hữu-San, bài viết cho HS-2000
10- Giang-Ðoàn 26 Xung-Phong. HQ/Trung-tá Trần-Ðỗ-Cẫm, bài viết cho HS-2000.
11- Trận Ba-Rài. HQ/Trung-tá Phan-Lạc-Tiếp, bài viết cho HS-2000.
12- Trung-Ðoàn U-Minh-Hạ. Ðộc-Hành. Việt-Luận số 297 Sydney 5/1988.
13- Hồi-ký 20 năm binh-nghiệp. Trung-tướng Tôn-Thất-Ðính. CA Chánh-đạo 1988.
14- Cuộc-chiến dang-dở. Tướng Trần-Văn-Nhựt. CA 2003.
15- Việt-Nam Máu Lửa. Nghiêm-Kế-Tổ. Mai-Lĩnh Saigon 1954.
16- Kinh-nghiệm chiến-trường chống đặc-công-thủy. Ban Hải-sử. BTL/HQ/P5 Saigon 1970.
17- 1945 Lạc đường vào lịch-sử. Nguyễn-Manh-Côn. Giao-điểm Saigon 1965.
18- Ðường mòn trên biển. Nguyễn-Tư-Ðương. Hà-Nội 2002.
19- The Ford Foundation Fellowship USA and France - Cao-Thế-Dung 1976.
20- Reassessing the ARVN - Lewis Sorley. VN Magazine April 2003.
21- Nation in arms - Greg Lockhart. Australia 1989.
22- The Vietnam war for dummies - Ronald B.Frankum, Jr and Stephen F. Maxner. Wiley Publishing Newyork 2003.
23- Vietnam war almanac - Harrys Summer. Jr.USA 1982.
24- Vìetnam a history - Stanley Karnow. Viking Newyork 1983.
25- Encyclopedia of the Vietnam war - Spencer C.Tucker. London 1999.
26- Vietnam: A visual encyclopedia - Philip Gutzman. London 2002.
27- The brown water navy - Victor Croizat. Blandford Press UK 1984.
28- The naval war in Vietnam - Anthony Preston. USA 1985.
29- Brown water, Black berets - Thomas J.Cutler. USA 1988.
30- Dictionary of the Vietnam war by Marc Leepson with Hanaford. USA 1996.
31- Victory at any cost - Cecil B.Currey. Great Britain 1997.
Nguyễn Văn Ơn
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment